Bổ sung hành vi bị nghiêm cấm “thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai” là rất xác đáng
Sáng ngày 28/8/2024, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách tiếp tục thảo luận về Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) cho biết, một số ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung hành vi mua bán bào thai vào khoản 1 Điều 2 để làm cơ sở đấu tranh phòng, chống hiệu quả thực trạng thỏa thuận mua bán người khi còn đang là bào thai. Ý kiến khác đề nghị thiết kế một điều luật riêng để điều chỉnh hành vi mua bán bào thai; có ý kiến băn khoăn việc nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai mà không nhằm mục đích mua bán người do không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Qua rà soát quy định của pháp luật liên quan, Thường trực UBTP nhận thấy, trong một số trường hợp, quyền dân sự chỉ có thể được xác lập sau khi một người được sinh ra và còn sống; theo quy định của Bộ luật hình sự thì việc phạm tội đối với phụ nữ mang thai chỉ bị coi là tình tiết tăng nặng mà không bị coi là phạm tội đối với nhiều người. Như vậy, về mặt pháp lý, chỉ được coi là người khi được sinh ra và còn sống. Theo y học thì bào thai cũng chưa được xác định là người. Khoản 1 Điều 2 dự thảo Luật quy định về khái niệm về mua bán người; trong khi bào thai chưa được xác định là con người như trên đã phân tích, nên Thường trực UBTP cho rằng, việc quy định mua bán bào thai trong khái niệm mua bán người là không phù hợp. Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng mua bán bào thai nhằm mục đích mua bán đứa trẻ sau khi được sinh ra đang là thực tế đáng lo ngại (nhiều trường hợp phụ nữ mang thai đã thỏa thuận xuất cảnh ra nước ngoài, sau đó sinh và giao con cho người khác để lấy tiền, vật chất để về nước). Việc thỏa thuận mua bán này thực chất là tiền đề của hành vi mua bán người (mua bán người từ giai đoạn còn đang là bào thai), nhưng việc xử lý hành vi này lại chưa được pháp luật điều chỉnh.

Trước yêu cầu nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng, chống mua bán người từ sớm, từ xa; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về xử lý hành vi xâm phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, Thường trực UBTP cho rằng, ý kiến ĐBQH đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai là rất xác đáng và phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Đối với ý kiến băn khoăn về việc nghiêm cấm hành vi mua bán bào thai mà không nhằm mục đích mua bán người, Thường trực UBTP nhận thấy, hành vi mua bán bào thai cho dù nhằm mục đích gì thì đều là việc làm vô nhân đạo, trái với thuần phong, mỹ tục, ảnh hưởng xấu tới an ninh, trật tự và xã hội, nên cần thiết phải nghiêm cấm. Từ các lý do trên, dự thảo Luật đã được tiếp thu theo hướng: bổ sung 1 khoản (khoản 2) vào Điều 3 hành vi bị nghiêm cấm “mua bán bào thai; thỏa thuận mua bán người từ khi còn đang là bào thai”.

Thay mặt Cơ quan chủ trì soạn thảo, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an trân khẳng định, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBTP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của các ĐBQH, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 tới đây theo đúng tiến độ./.

TUYẾT NHUNG (Nguồn: Cổng TTĐT BCA)
THÔNG BÁO CÔNG AN TỈNH

TRUYỀN HÌNH VÌ AN NINH TỔ QUỐC
Ảnh 3
Ảnh 3
Ảnh 2
Ảnh 2
Ảnh 1
Ảnh 1
Thống kê truy cập
  • Đang online: 471
  • Hôm nay: 4146
  • Trong tuần: 21 136
  • Tất cả: 6456307

Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Sóc Trăng

Chịu trách nhiệm nội dung: Đại tá Phạm Quốc Việt - Phó Giám đốc Công an tỉnh
Địa chỉ: 18 Hùng Vương - Phường 6 - TP Sóc Trăng.
Tel: 0693751238, Email: conganst@soctrang.gov.vn
@ Ghi rõ nguồn "Cổng thông tin Công an tỉnh Sóc Trăng" khi phát hành lại thông tin từ website này